Thuế là một trong số các khoản thu chính của ngân sách nhà nước và các khoản thu này sẽ được sử dụng để phục vụ nhân nhân và các công trình công cộng. Theo đó, mọi công dân, các cá nhân hay tổ chức cần phải nộp thuế để được hưởng những lợi ích từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những đơn vị vi phạm hành chính về thuế như: trốn thuế, vi phạm quy định về kê khai thuế, nộp quyết toán thuế… và để tránh xảy ra những tình trạng này, nhà nước đã ra những quy định nghiêm khắc về việc xử phạt hành chính về thuế. Mọi thông tin chi tiết sẽ được Kế Toán Anh Minh chia sẻ trong bài viết dưới đây.
1. Xử phạt hành chính về thuế là gì?
Xử phạt hành chính về thuế là việc xử phạt của cơ quan có thẩm quyền đối với các cá nhân hoặc tổ chức vi phạm hành chính về thuế mà không phải là tội phạm. Người có thẩm quyền xử phạt sẽ áp dụng các hình thức xử phạt theo đúng quy định của pháp luật về xử phạt các vi phạm hành chính về thuế, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.
Thông thường, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế bao gồm: Các hành vi trốn thuế, không đóng thuế, vi phạm quy định về thu thuế, nộp thuế và tiền phạt. Ngoài ra, còn các vi phạm về quy định đăng ký thuế, kê khai thuế, kiểm tra, thanh tra về thuế…
2. Quy trình xử phạt hành chính về thuế
Xử phạt hành chính về thuế đối với các cá nhân hoặc tổ chức vi phạm sẽ được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo trình các bước như sau:
2.1. Cơ quan thuế xác định tình trạng vi phạm
Khi cơ quan hoặc người có thẩm quyền thuộc cơ quan thuế phát hiện ra hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức hoặc đơn vị thuộc lĩnh vực mà mình đang quản lý thì cần xác định tình trạng, mức độ vi phạm của mỗi trường hợp. Sau đó, chuyển vi phạm này đến cấp có thẩm quyền cao hơn để xử lý.
2.2. Cơ quan thuế ra biên bản xác nhận vi phạm
Sau khi đã xác định được tình trạng vi phạm hành chính thuế đối với cá nhân hoặc tổ chức. Cơ quan thuế sẽ trực tiếp ra biên bản xác nhận đối với các trường hợp vi phạm. Cụ thể theo Điều 17 nghị định của Chính Phủ về Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế như sau:
Điều 17. Lập biên bản về vi phạm hành chính như sau:
Đối với những vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế không thuộc trường hợp xử phạt đơn giản đều phải lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp phạt nộp chậm tiền thuế, tiền phạt theo quy định của các Luật Thuế.
Hình thức, nội dung và trình tự lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế phải tuân theo những quy định tại Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp cá nhân, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản và cá nhân, cơ quan đang tiến hành thanh tra, kiểm tra vẫn thực hiện những kiến nghị, quyết định tại biên bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những kết luận, kiến nghị đó.
2.3. Cơ quan thuế ra quyết định xử phạt hành chính về thuế
Hình thức, nội dung, trình tự, thủ tục ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế phải tuân thủ những quy định tại Điều 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:
- Thời hạn ra quyết định xử phạt là mười ngày, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính; đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là ba mươi ngày. Trong trường hợp xét cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá ba mươi ngày. Quá thời hạn nói trên, người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp xử phạt trục xuất; trong trường hợp không ra quyết định xử phạt thì vẫn có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này và tịch thu tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành.
Người có thẩm quyền xử phạt nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh này.
- Khi quyết định xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền chỉ ra một quyết định xử phạt trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì cộng lại thành mức phạt chung.
- Trong quyết định xử phạt phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm hành chính; những tình tiết liên quan đến việc giải quyết vụ vi phạm; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung (nếu có), các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có); thời hạn, nơi thi hành quyết định xử phạt và chữ ký của người ra quyết định xử phạt.
Trong quyết định xử phạt cũng phải ghi rõ cá nhân, tổ chức bị xử phạt nếu không tự nguyện chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
- Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định quy định ngày có hiệu lực khác.
- Quyết định xử phạt được gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt và cơ quan thu tiền phạt trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.
Và cụ thể trong lĩnh vực thuế, thì các hình thức xử phạt vi phạm như sau:
Điều 5: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế
- Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
- a) Cảnh cáo;
- b) Phạt tiền;
- Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
- Ngoài hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
- a) Buộc tiêu huỷ hoá đơn, chứng từ, sổ kế toán in, phát hành sai quy định;
- b) Bị tạm đình chỉ sử dụng hoá đơn do không thực hiện đúng quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Thời gian tạm đình chỉ sử dụng hóa đơn tối đa không quá 03 tháng kể từ ngày tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quyết định xử phạt; trường hợp vi phạm được khắc phục trong thời gian sớm hơn 03 tháng thì việc tạm đình chỉ sử dụng hoá đơn sẽ hết hiệu lực ngay sau ngày các vi phạm đã được khắc phục xong.
2.4. Người nộp thuế chấp hành quyết định xử phạt
Sau khi nhận được quyết định xử phạt hành chính về thuế từ cơ quan thuế – Người nộp thuế cần chấp hành nghiêm chỉnh theo các điều trong quyết định xử phạt. Nếu không thực hiện đúng hoặc không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Người nộp thuế chấp hành quyết định xử phạt
3. Hình thức của biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Từ giữa 2022, biên bản và quyết định xử phạt sẽ bằng hình thức điện tử. Cụ thể như sau:
Hình thức của biên bản xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Mẫu biên bản vi phạm hành chính về thuế bằng phương thức điện tử theo mẫu số 01A/BB Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Quy định về lập biên bản vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn theo Điều 36 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:
* Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn:
Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 32, 33, 34 Nghị định 125/2020/NĐ-CP hoặc người đang thi hành công vụ thuộc cơ quan hành chính nhà nước phát hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
* Lập biên bản vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn:
– Việc lập biên bản vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp xác định rõ hành vi vi phạm hành chính tại biên bản thanh tra thuế, kiểm tra thuế thì biên bản thanh tra, kiểm tra thuế được xác định là biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 108 Luật Quản lý thuế.
– Lập biên bản vi phạm hành chính điện tử:
-Trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế, chậm thay đổi thông tin đăng ký thuế, chậm nộp hồ sơ khai thuế, hồ sơ khai quyết toán thuế bằng phương thức điện tử thì chậm nhất một ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế gửi thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế điện tử;
Hoặc thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế điện tử, cơ quan thuế lập và gửi 01 biên bản vi phạm hành chính điện tử cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, kể cả trường hợp người nộp thuế nộp nhiều hồ sơ thuế.
– Biên bản vi phạm hành chính điện tử được lập và gửi đáp ứng yêu cầu về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế là cơ sở để cơ quan thuế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
– Biên bản vi phạm hành chính điện tử phải ghi rõ:
+ Ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản;
+ Họ, tên, chức vụ người lập biên bản;
+ Chữ ký số của người lập biên bản;
+ Họ, tên, địa chỉ, mã số thuế, số chứng minh nhân dân hoặc số thẻ căn cước của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ, mã số thuế của tổ chức vi phạm;
+ Giờ, ngày, tháng, năm thực hiện vi phạm;
+ Hành vi vi phạm hành chính;
+ Quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm;
+ Cơ quan tiếp nhận giải trình.
Biên bản vi phạm hành chính điện tử không bắt buộc phải có chữ ký của tổ chức, cá nhân vi phạm.
– Cơ quan thuế có trách nhiệm xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng việc lập và gửi biên bản vi phạm hành chính điện tử.
Khi hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng điều kiện lập, gửi biên bản vi phạm hành chính điện tử đối với các hành vi vi phạm về thủ tục thuế, hóa đơn khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập và gửi biên bản vi phạm hành chính điện tử.
4. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính về thuế
Cũng theo Nghị định của chính phủ, Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính thuế như sau:
Điều 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế là 02 năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế được xác định là hành vi trốn thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại các Luật, Pháp lệnh về Thuế.
- Cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm đó có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời hạn ba ngày kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người đã ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án phải gửi quyết định và hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt; trong trường hợp này thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.
- Trong thời hiệu được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà cá nhân, tổ chức lại thực hiện vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực thuế hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
- Người có thẩm quyền xử phạt nếu để quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
5. Khi nào vi phạm hành chính sẽ chuyển qua xử lý hình sự
Cũng theo Nghị định của chính phủ, Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử phạt đối với những vi phạm hành chính sẽ chuyển qua xử lý hình sự. Cụ thể như sau:
Điều 23. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự
- Khi xem xét để quyết định xử phạt những trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 4 Điều 10, khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định này, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự, thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.
Nghiêm cấm việc giữ lại các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử phạt hành chính.
- Trường hợp đã ra quyết định xử phạt, nếu sau đó phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt phải huỷ quyết định đó và trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày huỷ quyết định xử phạt, phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.
- Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đã nhận hồ sơ vụ việc có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý cho cơ quan đã chuyển giao hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là toàn bộ thông tin về quy trình xử phạt hành chính về thuế và những vấn đề liên quan đến xử phạt thuế mà Kế Toán Anh Minh muốn chia sẻ cùng bạn đọc. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến các thủ tục về thuế hoặc cần hỗ trợ hãy liên hệ ngay Hotline: 0909.989.676 – 08.3729.6702 để được tư vấn nhanh nhất.