Báo cáo tài chính là báo cáo rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Vậy báo cáo tài chính là gì? Báo cáo tài chính gồm những gì, có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp. Hãy cùng Anh Minh tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây nhé!
1. BCTC là gì
Báo cáo tài chính là báo cáo mô tả các thông tin kinh tế được kế toán trình bày cung cấp các thông tin tài chính, tình hình kinh doanh, luồng tiền có tính tổng quát, toàn diện của doanh nghiệp đến những người sử dụng thông tin giúp họ ra được các quyết định kinh tế phù hợp.
Báo cáo tài chính là báo cáo mô tả mang tính định lượng về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Thông qua việc chuẩn bị và phân tích báo cáo tài chính, doanh nghiệp có thể theo dõi được các hoạt động tài chính trong quá khứ. Báo cáo tài chính ghi nhận những giao dịch tài chính của doanh nghiệp, để biết được doanh nghiệp lãi hay lỗ bao nhiêu tiền, tài sản và dòng tiền đến và đi từ đâu. Báo cáo tài chính giúp cho doanh nghiệp nhận thức được tình hình kinh doanh của mình so với các đối thủ cạnh tranh và so với mức trung bình của ngành nghề kinh doanh.
2. Báo cáo tài chính gồm những gì?
Bộ báo cáo tài chính gồm mấy báo cáo? mỗi loại có những yếu tố hình thành như thế nào? chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết của từng loại sau đây:
2.1. Báo cáo kết quả kinh doanh
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là báo cáo mang tính độc lập, phản ánh được tình hình và kết quả kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp thể hiện được các khoản doanh thu, chi phí, thu nhập khác của tổ chức, doanh nghiệp một cách tóm tắt, thể hiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong 1 giai đoạn cụ thể.
Cơ sở để lập báo cáo kết quả kinh doanh:
- Căn cứ vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm trước của doanh nghiệp.
- Căn cứ vào sổ kế toán toán chi tiết và tổng hợp trong kỳ dùng cho các tài khoản từ loại 5 đến loại 9.
2.2. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo thể hiện dòng tiền ra, vào của một doanh nghiệp trong một kỳ nhất định, có thể một tháng, một quý hoặc một năm. Đây là công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp và các cổ đông biết được nguồn tiền và chi tiêu như thế nào.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ bao gồm 3 loại sau:
- Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh: Là dòng tiền liên quan đến các hoạt động thanh toán bao gồm tiền vào từ các hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ và tiền ra từ các khoản chi phí mua nguyên vật liệu, thuế, lương nhân viên,….
- Lưu chuyển tiền từ các hoạt động đầu tư: Là dòng tiền thu được từ các hoạt động nhượng bán, thanh lý các tài sản cố định và chi ra cho việc đầu tư mua sắm các thiết bị, máy móc, đồ dùng phục vụ cho doanh nghiệp.
- Lưu chuyển tiền từ các hoạt động tài chính: Là dòng tiền liên quan đến việc tăng giảm vốn của chủ sở hữu. Tiền vào là các khoản nợ vay và cổ tức bao gồm tiền góp vốn từ chủ sở hữu, tiền vay ngân hàng, các khoản tiền đầu tư từ cổ đông, phát hành chứng khoán. Tiền chi ra là tiền trả cổ tức cho các cổ đông
2.3. Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu
Báo cáo vốn chủ sở hữu thể hiện sự thay đổi của vốn chủ sở hữu trong một kỳ nhất định.
Vốn chủ sở hữu có thể tăng hoặc giảm: tăng do chủ sở hữu đầu tư và lãi thuần tăng trong kỳ, giảm do thua lỗ thuần hoặc chủ sở hữu rút vốn trong kỳ.
2.4. Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản và nguồn vốn hình thành tài sản hiện có của doanh nghiệp ở một thời điểm nhất định. Căn cứ vào bảng cân đối kế toán có thể đánh giá và nhận xét được tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Bảng cân đối kế toán bao gồm 2 phần là nguồn vốn và tài sản trong đó tổng giá trị nguồn vốn luôn luôn bằng tổng giá trị tài sản cụ thể:
Phần tài sản: phản ánh giá trị của toàn bộ tài sản hiện có dưới tất cả các hình thái thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp ở thời điểm lập báo cáo. Đồng thời nó phản ánh được quy mô và kết cấu các loại tài sản, nguồn vốn hiện có của doanh nghiệp một cách tổng quát.
Phần tài sản thể hiện trong bảng cân đối kế toán gồm: Tài sản ngắn hạn và Tài sản dài hạn
Phần nguồn vốn: phản ánh nguồn hình thành các loại tài sản của doanh nghiệp hiện có vào thời điểm cuối kỳ kế toán. Đồng thời phản ánh được cơ cấu và quy mô các nguồn vốn được huy động và đầu tư vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó thể hiện được nguồn hình thành các tài sản, khả năng tự chủ tài chính và mức độ rủi ro nếu vay nợ quá cao của doanh nghiệp.
Phần nguồn vốn thể hiện trong bảng cân đối kế toán sẽ bao gồm các khoản Nợ ngắn hạn, Nợ dài hạn và Vốn chủ sở hữu.
3. Thời hạn nộp báo cáo tài chính và mức phạt khi nộp chậm
Báo cáo tài chính có thời hạn và mức nộp chậm như sau:
3.1. Thời hạn nộp báo cáo tài chính
Với các doanh nghiệp nhà nước:
- Nộp báo cáo tài chính quý: thời hạn chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kỳ kế toán quý kết thúc, đối với Tổng công ty Nhà nước, Công ty mẹ thời hạn này sẽ được nâng lên là 45 ngày. Đối với các đơn vị trực thuộc thời hạn nộp báo báo cáo tài chính sẽ do tổng công ty mẹ quy định.
- Nộp báo cáo tài chính năm: Thời hạn chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán , đối với các công ty mẹ , tổng công ty nhà nước thời hạn này được nâng lên là 90 ngày
Với các loại doanh nghiệp khác:
- Đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp doanh chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm
- Đối với các doanh nghiệp khác chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
- Đối với các đơn vị trực thuộc với đơn vị cấp trên sẽ do đơn vị cấp trên quy định.
- Đối với các doanh nghiệp chia tách, hợp nhất, sáp nhập… thời hạn chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày có quyết định về việc thực hiện chia tách, sáp nhập….
3.2. Mức phạt khi nộp chậm, hoặc lập sai báo cáo tài chính
Mức phạt khi vi phạm về tài khoản kế toán:
Phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ với các hành vi sau:
- Hạch toán không đúng nội dung của tài khoản kế toán
- Thực hiện sửa đổi các nội dung, phương pháp hạch toán hoặc mở thêm tài khoản kế toán mà chưa được Bộ Tài chính chấp thuận.
- Không thực hiện đúng hệ thống tài khoản kế toán đã được bộ tài chính ban hành.
- Với 2 trường hợp đầu thì mức phạt chỉ áp dụng với cá nhân vi phạm. Nếu tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần đối với cá nhân.
Vi phạm về lập và trình bày báo cáo tài chính
Phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ đối với các hành vi:
- Lập BCTC không đầy đủ nội dung hoặc không đúng biểu mẫu quy định.
- BCTC thiếu chữ ký của người lập, kế toán trưởng, hoặc người đại diện pháp luật.
- Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp đôi.
Phạt tiền từ 10.000.000đ đến 20.000.000đ đối với các hành vi:
- Lập không đầy đủ BCTC theo quy định
- Áp dụng mẫu BCTC không đúng so với quy định chuẩn mực và chế độ kế toán trừ trường hợp được bộ tài chính chấp thuận.
Phạt tiền từ 20.000.000đ đến 30.000.000đ đối với các hành vi sau:
- Không thực hiện lập BCTC theo quy định
- Lập BCTC không đúng so với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán của doanh nghiệp.
- Lập và trình bày BCTC không tuân thủ đúng với chế độ và chuẩn mực kế toán.
Phạt tiền từ 40.000.000đ đến 50.000.000đ đối với các hành vi sau:
- Giả mạo, khai man số liệu trên BCTC nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Thực hiện thỏa thuận hoặc ép buộc người khác làm giả mạo, khai man số liệu trên BCTC nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Cố ý thỏa thuận hoặc ép buộc người khác nhằm cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vi phạm về chậm nộp báo cáo tài chính:
Phạt tiền từ 5.000.000 đ đến 10.000.000đ các trường hợp sau:
- Nộp BCTC cho Cơ quan nhà nước chậm dưới 3 tháng so với thời gian quy định.
- Công khai BCTC chậm dưới 3 tháng so với thời gian quy định
Phạt tiền từ 10.000.000 đ đến 20.000.000 đ với các hành vi:
- BCTC không công khai đầy đủ nội dung
- BCTC nộp cho cơ quan nhà nước không đính kèm báo cáo kiểm toán với các trường hợp mà nhà nước quy định phải đính kèm.
- Nộp BCTC chậm trên 3 tháng so với quy định.
- Công khai BCTC không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với trường hợp nhà nước quy định phải đính kèm
- Công khai BCTC chậm trên 3 tháng so với quy định.
Phạt tiền từ 20.000.000đ đến 30.000.000đ với các hành vi:
- Thông tin và số liệu của BCTC sai sự thật
- Cung cấp , công bố các báo cáo tài chính tại Việt Nam không có số liệu đồng nhất trong một kỳ kế toán.
Phạt tiền từ 40.000.000đ đến 50.000.000đ với các hành vi:
- Không nộp BCTC cho cơ quan có thẩm quyền
- Không công khai BCTC theo quy định của nhà nước.
4. Các bước lập báo cáo tài chính chi tiết
Các bước cơ bản để lập lập một báo cáo tài chính hoàn chỉnh nhất như sau:
Bước 1: Tiến hành tập hợp, sắp xếp chứng từ kế toán
Để phản ánh được tình hình doanh nghiệp, kế toán cần thu thập tất cả các chứng từ và sắp xếp một cách khoa học, việc này đòi hỏi kế toán phải thực hiện tỉ mỉ, đảm bảo đúng trình tự. Như vậy mới đảm bảo được quá trình thực hiện báo cáo được thuận lợi.
Bước 2: Hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh
Sau khi thu thập các chứng từ kế toán, kế toán viên cần ghi chép hạch toán các nghiệp vụ lên sổ sách kế toán
Bước 3: Phân loại các nghiệp vụ phát sinh theo tháng hoặc quý
Tiến hành phân bổ các nghiệp vụ phát sinh theo thời hạn rõ ràng bao gồm: chi phí trả trước, chi phí khấu hao,…từ các nghiệp vụ phát sinh trên.
Bước 4: Kiểm tra rà soát, tổng hợp các nghiệp vụ phát sinh theo từng nhóm tài khoản
- Kiểm tra hàng tồn kho
- Kiểm tra các công nợ phải thu và phải trả
- Kiểm tra các khoản đầu tư
- Kiểm tra các khoản chi phí trả trước của doanh nghiệp
- Kiểm tra tài sản cố định
- Kiểm tra doanh thu
- Kiểm tra giá vốn
- Kiểm tra chi phí quản lý
Nếu phát hiện sai sót, cần tìm hiểu nguyên nhân và điều chỉnh lại ngay để đảm tính chính xác khi kê khai báo cáo tài chính.
Bước 5: Thực hiện bút toán tổng hợp và kết chuyển doanh thu
Tiến hành các bút toán kết chuyển doanh thu, chi phí, lãi lỗ đảm bảo rằng các tài khoản đầu 5 đến đầu 9 không có số dư ở cuối kỳ.
Bước 6: Lập báo cáo tài chính
Sử dụng phần mềm HTKK hỗ trợ kê khai của cơ quan thuế để:
- Tiến hành lập báo cáo tài chính theo quy định của nhà nước.
- Tiến hành lập các quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân.
- Để lưu trữ các bạn xuất ra file excel, để nộp lên cơ quan thuế bạn kết xuất file XML
5. Ý nghĩa của báo cáo tài chính đối với doanh nghiệp
Báo cáo tài chính có vai trò quan trọng trong công tác quản lý của doanh nghiệp cũng như đối với các cơ quan quản lý và những người quan tâm đến doanh nghiệp, nó thể hiện được những vấn đề sau :
- Phản ánh tổng quát rõ nhất về tình hình tài chính cũng như kết quả kinh doanh trong một kỳ của doanh nghiệp.
- Cung cấp những thông tin tài chính, kinh tế để đánh giá được hiện trạng và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Giúp giám sát, rà soát được tình hình vốn và khả năng huy động nguồn vốn để kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Nhờ báo cáo tài chính doanh nghiệp có thể phân tích, phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn làm căn cứ để đưa ra quyết định về quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc quyết định đầu tư của chủ sở hữu, nhà đầu tư hay chủ nợ hiện tại của doanh nghiệp.
- Là căn cứ để xây dựng nên các kế hoạch về kinh tế, kỹ thuật, tài chính của doanh nghiệp, xây dựng hệ thống quản lý nhằm tăng cường quản trị doanh nghiệp. Giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sản xuất kinh doanh và gia tăng thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Trên đây là những chia sẻ của kế toán Anh Minh về nội dung của báo cáo tài chính gồm những gì. Qua đó các bạn có thể thấy được tầm quan trọng của báo cáo tài chính như thế nào. Nếu còn thắc mắc gì hoặc cần hỗ trợ về dịch vụ làm báo cáo tài chính cuối năm hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời nhất.
Bài viết liên quan:
Cách nộp thuyết minh báo cáo tài chính qua mạng chuẩn 2023
Mẫu bìa báo cáo tài chính mới nhất 2023
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ TƯ VẤN VÀ ĐẠI LÝ THUẾ ANH MINH
Hotline / Zalo tư vấn : 0909.989.676 – 0913.479.676 (MS.HẠNH)
Website: ketoanthuduc.vn – thanhlapcongtyvn.com.vn
Email : tax.anhminh@gmail.com
Trụ sở chính: 52/28/2 Đường số 12, Tam Bình, Thủ Đức, Tp.HCM
Chi Nhánh 1: 32 Đường B1, Khu đô thị VCN Phước Hải, P. Phước Hải, TP. Nha Trang, Khánh Hòa
Chi Nhánh 2: 47/5/27 đường Đông Tác, Kp. Đông Tác, P. Tân Đông Hiệp, Tx. Dĩ An, Bình Dương